icon icon icon

Một số điều cần biết về cận thị

Đăng bởi Tôn Thị Kim Thanh vào lúc 20/07/2020

Trong những năm gần đây, số lượng trẻ mắc cận thị ở nước ta và các nước trong khu vực tăng nhanh, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Chúng ta còn chưa biết hết về nguyên nhân gây cận thị. Yếu tố di truyền cũng có vai trò làm cho một số người và một số dân tộc hay mắc cận thị hơn. Tuy nhiên, điều này cũng không giải thích được vì sao số người mắc cận thị lại tăng nhanh như vậy ở nhiều nước trong thời gian gần đây. Ở những nơi này, nguồn gien không hề thay đổi nhưng tỷ lệ mắc cận thị tăng nhanh không ngừng. Điều này cho thấy rõ ràng là ảnh hưởng của môi trường cùng với yếu tố di truyền có vai trò chính.

Các yếu tố có thể gây cận thị

Một nghiên cứu gần đây ở Mỹ đã đưa ra một yếu tố nguy cơ là để trẻ ngủ đêm khi có đèn sáng có thể làm cho trẻ dễ bị mắc cận thị hơn. Các nhà khoa học Singapore đã thành công trong thí nghiệm gây cận thị cho gà, chuột và khỉ chỉ bằng cách thay đổi điều kiện chiếu sáng ở môi trường sống của chúng. Điều này một lần nữa cho thấy yếu tố môi trường có vai trò quan trọng gây cận thị. Trong khi chúng ta còn chưa xác định chính xác được về yếu tố môi trường thì có thể cho rằng tình hình cận thị hiện nay liên quan đến việc học sinh của chúng ta hiện nay phải học nhiều cũng như sử dụng đôi mắt để làm việc ở khoảng cách gần nhiều hơn rất nhiều so với trong quá khứ.

Một số hiểu biết có ý nghĩa thực tế về cận thị

  1. Cận thị đích thực là bất khả hồi

Cận thị xảy ra khi nhãn cầu phát triển, có trục trước - sau dài hơn bình thường. Khi trục nhãn cầu đã dài hơn thì đó là cận thị đích thực, con mắt đó không trở lại thành chính thị được. Nhưng cũng có một loại cận thị khác, là cận thị giả, xảy ra do cơ thể mi của mắt bị co quá mức, không trở lại trạng thái nghỉ được, gọi là co quắp điều tiết. Loại cận thị giả này có thể điều chỉnh để con mắt trở lại bình thường bằng những phương pháp làm liệt điều tiết và một số người thực hiện được việc này gọi sai là đã “chữa” được cận thị. Mặc dù cận thị đích thực là bất khả hồi nhưng chúng ta có những phương pháp điều chỉnh bằng đeo kính gọng, kính tiếp xúc hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, những biến chứng gây mù của cận thị như bong võng mạc và thoái hoá vùng hoàng điểm liên quan đến trục nhãn cầu dài bất thường. Và như vậy, những phương pháp điều chỉnh cận thị đã nêu ở trên có thể cân bằng trạng thái khúc xạ của mắt nhưng không đề phòng được những biến chứng muộn của cận thị nặng do chúng không giúp ngăn chặn trục nhãn cầu dài ra thêm.

  1. Độ cận thị tăng theo tuổi

Một khi bị cận thị, độ cận sẽ thường tăng theo tuổi cho đến khi trưởng thành. Bị cận thị càng sớm thì độ cận cuối cùng càng cao. Thách thức đặt ra là đề phòng cận thị phát sinh hoặc làm chậm tiến triển cận thị.

  1. Cận thị trẻ em và điều trị bằng phẫu thuật


Có 2 lý do chính để không chỉ định phẫu thuật cho trẻ em cận thị. Thứ nhất, độ cận của trẻ không ổn định nên có thể sẽ phải phẫu thuật nữa trong tương lai nếu cận thị tiến triển. Mặt khác, mắt trẻ em thường có phản ứng viêm mạnh hơn sau phẫu thuật so với mắt người lớn, làm ảnh hưởng đến chất lượng nhìn sau phẫu thuật.

Một số phương pháp điều chỉnh cận thị ngoài kính gọng 

  1. Kính áp tròng

 Phương pháp dùng kính áp tròng điều trị cận thị (Orthokeratology, Ortho-K) là cách dùng một loại kính áp tròng được thiết kế phù hợp với từng mắt để chữa cận thị. Kính này được đeo ban đêm và có tác dụng điều chỉnh hình dạng giác mạc trong khi ngủ và đến khi thức dậy buổi sáng người bị cận thị có thể nhìn thấy rõ suốt cả ngày, khi đã tháo kính áp tròng, không đeo kính gọng.

Ngoài lợi ích loại bỏ sự phụ thuộc đeo kính, phương pháp này đã được chứng minh là giúp làm chậm tiến trình phát triển của bệnh cận thị. Đây là một phương pháp an toàn, hiệu quả và đang được sử dụng rộng rãi.

Trong tương lai gần, có thể chúng ta sẽ có những thuốc mới bổ sung làm tăng hiệu quả, để giác mạc duy trì hình thể lâu hơn sau điều trị.

  1. Kính đa tròng

Vấn đề đã từng là chủ đề thảo luận sôi nổi ở nhiều hội thảo. Có những cơ sở lý thuyết về vai trò của loại kính này. Đó là hiện tượng nhìn mờ và  /hoặc thiểu năng điều tiết gây cận thị. Kính đa tròng cho phép nhìn rõ những vật cả ở xa lẫn gần cả khi bị thiểu năng điều tiết. Nếu điều này là đúng thì kính đa tròng có thể làm chậm tiến triển của cận thị. Các nghiên cứu đang được thực hiện để đánh giá hiệu quả của phương pháp này và chúng ta sẽ được biết kết quả trong thời gian gần đây.

  1. Thuốc tra mắt

Từ nhiều năm nay, sự chú ý đặc biệt được dành cho các thuốc tra mắt khác nhau nhằm kiềm chế cận thị. Một thuốc hay được dùng là Atropine. Người ta cho rằng Atropine làm chậm sự phát triển của nhãn cầu nên làm cận thị chậm tiến triển. Nhiều nghiên cứu về cách điều trị này đã và đang được thực hiện nhưng chưa làm rõ được vấn đề. vincity-vietnam.com

Một số quan niệm sai về cận thị thường gặp

Đáng buồn là hiện nay còn có những quan niệm không đúng nhưng đã tồn tại từ lâu. Cần phải nhấn mạnh rằng cận thị sẽ không giảm nếu :

1. Tránh không dùng kính. Ngược lại, trong một số trường hợp, việc không đeo kính sẽ gây nhược thị, có thể làm tổn hại thị lực bất khả hồi cho trẻ.

2. Đeo kính số thấp hơn. Những nghiên cứu đã thực hiện không cho thấy bất kỳ lợi ích nào của cách làm này. Ngược lại, chỉ cần đeo kính số thấp hơn số cần đeo 0,5 đi-ốp trở lên sẽ làm thị lực đã chỉnh kính rất thấp, thường dưới 5/10, không đáp ứng được yêu cầu học đường.

3. Thực đơn giàu Vitamin A. Trẻ cần được có chế độ dinh dưỡng cân bằng, với lượng vitamin cần thiết từ rau quả. Nếu dùng quá liều (như dùng “dầu cá” kéo dài) thì có thể gây hại.

4. Các bài tập cho mắt, bấm huyệt, tập nhìn. Những biện pháp này chỉ giúp đưa mắt về trạng thái nghỉ nhưng không làm trục nhãn cầu ngắn hơn hoặc chữa khỏi cận thị đích thực. Tuy nhiên, chúng có ích trong việc nhắc nhở mọi người giữ gìn và bảo vệ mắt.

Lời khuyên cho các bậc phụ huynh - Mọi trẻ em đều phải được khám mắt định kỳ

Hoạt động này nằm trong chương trình mắt học đường, học sinh được khám mắt, kiểm tra thị lực hàng năm. Nếu bạn nghi trẻ có vấn đề về mắt, cần đưa trẻ đi khám ngay. Cần phải khám, đo đạc rất kỹ lưỡng để cho trẻ được đeo kính đúng số. Việc đeo kính không đúng số có thể làm cận thị nặng thêm. Đôi khi cần phải tra thuốc liệt điều tiết để có được kết quả chính xác về độ cận. Phải kiểm soát thời lượng đọc và làm việc ở khoảng cách gần của trẻ. Với chương trình học nặng nề hiện nay của trẻ, chúng ta cần nhớ nguy cơ làm cận thị nặng thêm là rất cao. Cần phải hướng dẫn chúng đọc sách ở khoảng cách tối thiểu 40 cm. Phải để trẻ nghỉ sau 30 đến 40 phút ngồi học.
Con mắt hay bị cận thị nếu thức khuya nên cần cho trẻ đi ngủ sớm (không bật đèn) và đánh thức dậy sớm để học bài nếu cần. Các hoạt động ngoài trời ban ngày có tác dụng tốt đối với chức năng thị giác và cần được khuyến khích. 

                                                                                                                                                       Bs, Ts Vương Văn Quý

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
02422401011